Ông Cấp Cô Độc không chỉ được tôn kính vì hành động cúng dường khu vườn quý cho Phật, mà còn vì lòng tốt rất mực, sự mộ đạo rộng lớn và sự bảo hộ chư tăng của ông. Ông là một trưởng giả giàu có, nhưng dùng tiền bạc của mình để chu cấp cho những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, nên mới mang tên là Cấp Cô Độc, tức là chu cấp cho người cô độc.
Với công đức đó của ông, người ta tôn ông là vị thần chủ gìn giữ cho các ngôi chùa. Vì thế chùa cổ bao giờ cũng có tượng thờ ông, mang tên gọi là Đức Ông, hay Đức Chúa Ông.
Tuy nhiên, dần dà trong dân gian ít người còn để ý đến nguồn gốc ngài trưởng giả Cấp Cô Độc, mà tượng Đức Ông còn có lúc được coi là Long Thần, hay đơn giản tức là vị thần canh giữ chùa.
Tượng Đức Ông, với vai trò là một vị thần chủ, do đó được thêm vào các hầu cận văn võ hai bên. Trong dân gian có phong tục khi đứa trẻ khó nuôi thì làm lễ “bán con lên chùa”, tức là bán cho Đức Ông. Như thế là bán cho một vị thần, chứ không phải bán cho Phật, vì Phật thì làm sao mua bán được.
Việc bán con lên chùa cho Đức Ông cũng có liên quan đến lịch sử trưởng giả Cấp Cô Độc, vì ông cũng cứu giúp cho rất nhiều trẻ nhỏ, nuôi dậy chúng. Bán con cho Đức Ông cũng là nhờ phúc đức của ngài che chở.