Bát bảo binh khí hay còn gọi là bát bửu binh khí là 8 loại binh khí quí bằng kim loại (trong thờ cúng dùng bằng chất liệu đồng ) gồm : Đao, Thương, Mác, Chấp, Kích, Chùy Mâu, Rừu.

Bộ bát bảo binh khí bằng đồng thường được bài trí tại phòng thờ gia đình, từ đường, nhà thờ họ, đình đền, miếu mạo thể hiện sự uy nghiêm của nơi thờ cúng.

Bát bảo binh khí là bộ binh khí thể hiện vũ lực rất mạnh, dùng để tăng chính khí cho ngôi nhà, phòng làm việc, trấn và xua đuổi tà khí, củng cố và phát huy quyền lực của gia chủ.

Bát Bửu (hay còn gọi là Bát Bảo) là đồ trang trí nơi thờ cúng, gồm 8 vật quý. Những vật này thường tượng trưng cho sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có, tuổi trẻ, sự tốt lành về tình cảm, hạnh phúc, sự may mắn, sự chiến thắng, sự lựa chọn.

Tám vật này, được chọn tuỳ theo tín ngưỡng, tập tục, hoặc ý riêng của người sáng tác nên thường không có ý kiến thống nhất. Có thể gồm quạt, thanh gươm, bầu rượu, giỏ hoa, cái sáo, lọng, ống bút, cuốn thư; hoặc là cành trúc, đàn tì bà, hoa sen… có khi là đàn sáo, lẵng hoa, thư kiếm, bầu rượu, túi thơ, thư bút, khánh, quạt.

Có thể nói Bát Bửu được hiện diện trong đồ thờ truyền thống Việt là 8 đồ vật thường dùng của các bậc tao nhân mặc khách hay các vị tiên, như: pho sách (tượng trưng kiến thức), cuốn thư (tượng trưng thú tao nhã), bầu rượu (tượng trưng sự phong lưu), cái quạt (tượng trưng thần tiên, thoát tục), lẵng hoa (tượng trưng sự phong lưu), đàn tì bà (tượng trưng thú tao nhã), cây phất trần (vật của người đạo đức), gậy như ý (tượng trưng quyền phép).

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các ngôi đình thường bày các đồ thờ, như hương án, bộ tam sự (hoặc ngũ sự, thất sự, gồm ba, năm hoặc bảy lư, đỉnh, chân đèn…bằng đồng); đài rượu quả trầu; bình hương,…; hai bên hương án là hai hàng tự khí, gồm cờ quạt, tàn lọng, đôi hạc đứng trên lưng rùa, ngựa bóng, ngựa bạch hoặc voi; trong hậu cung (cung cấm), có hòm sắc đựng sắc phong, kinh sách và thần tích; hai bên có cờ vía, biển vía ghi chức tước của vị thần. Ngăn bàn thờ chính với tả hữu nội gian, thường bày bộ bát bửu là tám đồ quý, thường gồm: 1) đàn sáo, 2) lẵng hoa, 3) thư kiếm, 4) bầu rượu, 5) túi thơ, 6) thư bát, 7) khánh, 8) quạt; đồ lỗ bộ , thường gồm: hai thanh mác trường (có khi thay bằng hai long đao, hoặc một tứ nhi và một đinh ba, hoặc bốn gương trường), hai ngọn cờ tiết mao, hai dùi đồng (có khi thay bằng một bán nguyệt, một xà mâu; hoặc thay bằng một tay văn, một tay võ), hai phủ việt, và hai biển tĩnh túc và hồi tỵ (gọi lỗ bộ, vì lỗ là cái mộc, cái mộc luôn đi đầu các nghi trượng, nên gọi chung là lỗ bộ). Cờ tiết mao là hai lá cờ tượng trưng chức sắc; tiết là cờ vua trao để làm tin, mao là cờ kết bằng lông mao, biểu hiện ân điển của vua. Biển tĩnh túc là tấm biển khắc hai chữ tĩnh túc, nghĩa là yên lặng cung kính; biển hồi tỵ là để ai là người có tang hoặc có tật hãy tránh đi khỏi nơi cúng tế. Tay văn, tay võ, là những cây gậy lớn, trên đầu gậy có hình nắm tay cầm bút và nắm tay nắm chặt thành quả đấm, biểu thị sự toàn tài văn võ, hoặc bộ hạ Ngài đủ đẩy tài ba văn võ.

Đồ Chấp Kích, hay còn gọi là Lỗ Bộ, là những đồ binh khí dùng để rước hoặc cắm vào giá để trần, đặt ở cung vua, phủ quan hay các đền, đình, miếu.

Gồm những vũ khí: mác, đao, kích, thương, phủ việt (búa), cờ tiết mao và bảng có chữ “Tĩnh Túc” và “Hồi Tị”. Tuỳ từng địa phương và từng thời kì mà có thể thay đổi các đồ vật cần thiết trên. Từ thời Lê đã lập “Lỗ Bộ Ti” để cung cấp Lỗ Bộ. Người ta cũng có thể dùng Bát Bảo hay Bát Bửu thay cho Lỗ Bộ.