Theo truyền thuyết: trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (quân Ngô), một lần nghĩa quân Lam Sơn bị thất trận phải rút lui vào trong rừng sâu để bảo toàn lực lượng. Trong lúc lương thực hết, nghĩa quân đã kiệt sức thì xuất hiện một con vẹt miệng ngậm quả bồ quân chín đỏ bay qua và thả xuống. Quân lính nghĩ rằng, quả chín chim ăn được chắc rằng con người cũng có thể ăn được và họ liền theo con chim đến một thung lũng chín đỏ quả bồ quân. Những quả bồ quân đó đã giúp cho nghĩa quân Lam Sơn qua khỏi cơn hoạn nạn, tiếp tục chuẩn bị lực lượng chiến đấu chống quân Minh. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi (1427), Lê Lợi lên ngôi vua. Nhớ lại công lao của con Vẹt khi xưa, ông đã lệnh cho tạc tượng thờ. Điều đó cho thấy, Vẹt thờ xuất hiện rất đỗi tự nhiên trong cuộc sống của con người. Qua đôi Vẹt thờ không chỉ phản ánh tâm hồn, ước vọng của người Việt mong muốn cuộc sống an bình mà còn thể hiện tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Chim Vẹt không chỉ trở thành con vật linh thiêng để thờ mà đã trở thành đề tài trang trí khá phổ biến trong những thế kỷ sau đó, đặc biệt là dười thời chúa Trịnh.

